- Có tác dụng phòng ngừa bệnh tật. Mùa đông ăn cháo thịt cừu, cháo gừng tươi sẽ nâng được khả năng chống rét và phòng ngừa phát bệnh viêm phế quản mạn tính. Mùa hè ăn cháo đậu xanh, cháo hạt sen giúp thanh nhiệt giải độc, tránh được cảm nóng.
- Có tác dụng trị liệu phụ trợ đối với các bệnh cấp tính. Chẳng hạn người bị viêm gan do virut cấp có thể ăn cháo nhân trần cũng trị được bệnh, người bị cảm mạo ăn món cháo thuốc tía tô cũng có thể giải được cảm.
- Có tác dụng tự điều chỉnh đối với các bệnh mạn tính như người mắc chứng tăng huyết áp có thể ăn cháo củ cải, cháo rau cần. Người đái tháo đường có thể ăn cháo bí đỏ, cháo sơn dược...
- Có tác dụng hồi phục tốt cho người mắc bệnh mới khỏi và phụ nữ sau sinh. Chẳng hạn sau khi bị bệnh viêm phổi mà vẫn thấy khô miệng, khát, ho khan nên ăn cháo bách hợp, cháo rễ lau (lô căn). Phụ nữ sau sinh cơ thể suy nhược, thiếu máu, tiết sữa nuôi con... cần ăn cháo móng giò, cháo đương quy...
- Có tác dụng bồi bổ, cường thân. Chẳng hạn với người già thường là thận khí hư do đó nên ăn cháo hạnh đào, cháo câu kỷ tử. Người do khí huyết kém nên ăn cháo nhân sâm, cháo hoàng kỳ, cháo long nhãn. Người chức năng tiêu hóa kém nên ăn cháo chà là đỏ hay cháo sơn dược...
Cách chế biến một vài loại cháo thuốc tiêu biểu.
Dùng thuốc Đông y nấu trực tiếp với gạo. Chẳng hạn như các loại cháo đại táo, mễ nhân, hạnh đào, bách hợp, quế viên (nhãn)... đều có thể cho vào cùng gạo để nấu thành cháo.
Dùng nước cốt nấu cùng với gạo: Chẳng hạn lấy gà hầm gạn lấy nước cho gạo vào nấu thành cháo nước gà, ăn trong trường hợp cần bồi bổ thanh nhẹ.
Nghiền thuốc Đông y thành bột mịn rồi nấu cùng với gạo thành cháo hơi đặc để ăn như cháo bối mẫu, cháo phù linh, cháo khiếm thực...
Sắc thuốc Đông y rồi gạn lấy nước đặc cho vào cùng gạo nấu thành cháo để ăn. Cách thức này rất hay sử dụng trong các món cháo đương quy, cháo hoàng kỳ, cháo khiếm thực...
Lựa chọn dụng cụ nấu: Tốt nhất là nồi đất nung, cũng có thể dùng đồ tráng men thay thế. Không nên sử dụng nồi bằng nhôm hay sắt để nấu vì sẽ xảy ra một số phản ứng hóa học giữa nồi và một số vị thuốc trong quá trình chế biến.
Theo dõi độ lửa đun sao cho phù hợp: Có loại thuốc dễ bay hơi nên khi nấu cháo cần duy trì lửa nhỏ, hoặc không đun lâu vì sẽ làm bay hơi quá nhiều các thành phần của thuốc. Nhưng cũng có những loại cần sử dụng lửa to khi chế biến cần đun thời gian lâu như các vị thuốc là trân châu, long cốt. Với các thuốc là hoa khi đun lại cần lửa to cho sôi nhanh rồi chuyển sang lửa nhỏ đun cho chín.
Tùy vào loại cháo thuốc mà cần khống chế độ đặc hay loãng của cháo. Nói chung cháo thuốc cần có độ đặc sền sệt, đặc quá sẽ khó ăn, loãng quá lại ảnh hưởng tới hiệu quả. Thông thường cứ 50g gạo cho 400ml nước là vừa.
Khi sử dụng cháo thuốc để bồi bổ cơ thể phải tùy theo thể chất, bệnh tình, thời tiết, địa lý... mà chọn lựa phương cháo thuốc sao cho hợp lý, như vậy mới đạt hiệu quả cao. Cụ thể cần lưu ý các vấn đề sau:
- Chú ý sử dụng cho đối chứng: Tức tùy theo thể chất, thói quen sinh hoạt, triệu chứng bệnh của từng người mà chọn lựa phương cháo nào tương thích nhất.
- Chú ý các vùng địa lý: Miền Bắc nhiệt độ tương đối thấp cần ăn các loại cháo ôn bổ. Miền Nam khí hậu ấm áp, ẩm nhiều nên ăn các loại cháo bổ mát và cháo giải ẩm.
- Chú ý vận dụng phối hợp, tăng cường hiệu quả trị liệu: Có thể ăn cùng một số vị thuốc bổ Đông y có tác dụng chữa bệnh như bị tiêu chảy do tỳ hư mạn tính nên cho sơn dược, khiếm thực, đậu cô ve nấu cùng với gạo, thì hiệu quả cầm tiêu chảy sẽ tăng cao.
- Chú ý những điều kiêng kỵ sau khi ăn cháo: Sau khi ăn cháo xong không nên đi ngủ, uống rượu hay uống nước chè ngay.
Xin giới thiệu một số loại cháo thuốc thường dùng:
Những loại cháo thuốc dưỡng huyết chủ yếu như: cháo lạc, đại táo, cháo vừng, cháo hà thủ ô, cháo cà rốt, cháo gan lợn...
Những loại cháo thuốc bổ khí chủ yếu như: cháo đẳng sâm, hoàng kỳ, cháo phù linh, cháo sữa bò, cháo chim cút, cháo gan lợn, bạch truật.
Những cháo thuốc kiện tỳ, trợ tiêu hóa chủ yếu như: cháo cháy cơm, cháo nhị bảo, cháo cam phật thủ, cháo kê nội kim, cháo đậu ván trắng.
Những loại cháo thuốc hóa đờm, cắt ho chủ yếu: cháo lê, cháo củ cải, cháo bách hợp, cháo bối mẫu, cháo tô tử...
Những loại cháo thuốc dưỡng âm chủ yếu như: cháo tang thầm, cháo a giao, cháo bạch quả, cháo yến sào, cháo ba ba, cháo thục địa, cháo câu kỷ tử, cháo thịt thỏ...
Những loại cháo thuốc ôn dương chủ yếu như: cháo thịt chó, cháo quế, cháo chim sẻ, cháo hạnh đào...